Vẻ đẹp của một nền văn hóa Huế xưa và nay

0

3298

Huế cũng như mỗi vùng, miền khác trên đất nước ta đều có những sắc thái văn hóa địa phương độc đáo. Cùng với Thăng Long, Huế là kinh đô của nước Việt trong nhiều thế kỷ. Nói đến Huế, không chỉ là Huế trong phạm vi hành chính hiện nay, mà Huế là cả địa bàn Châu Hóa xưa, nay là tỉnh Thừa Thiên Huế, từ Mỹ Chánh đến Lăng Cô, từ núi đồi Trương Sơn đến đầm phá ra biển Đông. Vì vậy, có thể khái quát một số đặc điểm tiêu biểu của văn hóa Huế như sau:

Văn hóa Huế, một nền văn hóa của sự hài hòa và gắn bó giữa môi trường sống và chủ nhân của nó

Người ta thường nói văn hóa là cái tự nhiên được biến đổi bởi con người trong cuộc sinh tồn của mình, thì con người Huế trong lịch sử vươn lên phía trước đã ứng xử hợp với tự nhiên, để rồi tự nhiên hữu tình vì có con người và cho con người.

Huế không chỉ là xứ sở của sông Hương – núi Ngự mà Huế có đủ núi – đồi, sông – biển, đầm – phá, đất – cát, cồn – bàu. Huế có núi đồi nhấp nhô với Kim Phụng, Ngự Bình, Vọng Cảnh; có dòng sông êm đềm với Hương Giang, An Cựu, Như Ý, Lợi Nông; có đầm Chuồn, Cầu Hai; có phá Tam Giang; lại có Cồn Hến, Giã Viên v.v… Huế có tất cả đất núi đồi, đất thịt và cả đất cát ven phá, ven biển… Không những thế, thiên nhiên Huế lại quyện vào nhau, sơn thủy hữu tình, phong cảnh kỳ thú. Sống trong khung cảnh thiên nhiên hòa quyện như vậy, con người Huế đã sớm đùm bọc, gắn bó với nhau, kể từ ngày vào mảnh đất làm “quà cưới” này lập làng, sinh sống.

Con người đã biết dựa vào và biến đổi cái tự nhiên của Huế để sáng tạo nên lịch sử – văn hóa Huế. Cái hài hòa, êm đềm của phong cảnh Huế đã ăn nhập vào con người Huế nhuần nhị và sâu lắng.

Văn hóa Huế, một nền văn hóa được làm giàu bởi các dòng văn hóa đô thị – văn hóa làng (chùa) và văn hóa cung đình (bác học) – văn hóa dân gian không có sự đối lập, loại trừ.

Năm 1802, vua Gia Long lập ra triều Nguyễn, định đô ở Phú Xuân, Huế trở thành kinh đô của cả nước thống nhất từ Đồng Văn đến Cà Mau. Di sản kiến trúc hiện nay chủ yếu được xây dựng từ thời Gia Long trở đi.

Quá trình đô thị hóa khái quát ở trên cũng là quá trình Huế trở thành xứ sở mang đặc điểm của một nền văn hóa Huế đô thị.

Ở chốn thần kinh, tinh hoa văn hóa được dịp hội tụ và phát triển, dòng văn hóa cung đình – bác học xuất hiện với những di sản tinh thần quý giá về các lĩnh vực thơ ca, âm nhạc, kiến trúc, nghệ thuật múa, nghệ thuật trang trí.

Trong khi đó, không xa kinh thành Huế, vẫn là các làng quê với lối sống làng quê của mình. Các làng An Hòa, Vĩ Da… sát nạc Kinh thành vẫn là các làng chủ yếu sinh sống bằng kinh tế nông nghiệp. Ngoài nghề nông làm ruộng, nhiều làng có thêm nghề làm vườn với những loại cây trái đặc sản: quýt Hương Cần, nhãn lồng Kim Long, thanh trà Nguyệt Biều, chè Tuần…

Văn hóa Làng của những làng quê Huế phản ánh quan phong tục, tập quá của cư dân làm ruộng, làm vườn và nghề thủ công. Riêng trong lĩnh vực tín ngưỡng dân gian, hằng năm đều đặn diễn ra những lễ hội, cúng tế ở các làng. Ngoài ra còn có những lễ hội mang tính truyền của làng hoặc lễ hội của những làng nghề: Làng Sình mở hội vật vào ngày 10 tháng Giêng Âm lịch, làng Thai Dương có hội Cầu Ngư vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch, làng Hiền Lương có lễ cúng tổ nghề rèn vào 18/12 v.v…

Trong làng có đình, nơi thờ cúng chư thần, cử hành tế lễ và hội họp của làng. Trong làng lại có chùa. Hầu hết các làng ở Huế đều có chùa. Trong chùa gian chính thờ các vị Phật, còn ở án hậu thờ ngài khai canh các họ của làng. Với số lượng trên 150 ngôi chùa lớn, nhỏ, Phật giáo đã và đang có một vai trò quan trọng trong văn hóa dân gian Huế. Có người cho rằng Huế còn là kinh đô của Phật giáo, ở Huế đã hình thành dòng văn hóa chùa, tiêu biểu cho bản sắc của văn hóa Huế…

Sự dung hợp giữa các dòng văn hóa trên đã làm giàu cho văn hóa Huế. Theo thời gian, chúng bổ sung và nâng cao cho nhau, làm nên cái bản sắc, “cái hồn” của văn hóa Huế.

Văn hóa Huế, một nền văn hóa của cái đẹp trong nghệ thuật kiến trúc và phong cách sống.

Nói đến Huế không thể không nói đến di sản kiến trúc ở Huế và phong cách nghệ thuật sống của người Huế. Không phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn quen gọi thành những cụm từ mang sắc thái tiêu biểu riêng cho Huế, như: người Huế, kiến trúc Huế, nhà vườn Huế, món ăn Huế, màu tím Huế, nón lá Huế, giọng Huế – tiếng Huế, ca Huế… Tất nhiên không phải cái gì thuộc về Huế đều là bậc nhất cả. Song trong nghệ thuật kiến trúc và phong cách sống, cái đẹp vẫn là nét trội, nét tiêu biểu.

Cái đẹp trong nghệ thuật kiến trúc ở Huế được thể hiện trước hết là ở sự hòa hợp, gắn bó giữa công trình với môi trường tự nhiên, một bên là tạo hóa, đất trời, một bên là sáng tạo của thường dân, phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, tạo nên một thể thống nhất, chặt chẽ mà nên thơ, hùng vĩ và duyên dáng…

Kiến trúc ở Huế không nguy nga đồ sộ và xa hoa lộng lẫy, nhưng Huế vẫn hấp dẫn con người bởi những công trình kiến trúc dung hợp với cảnh quan tự nhiên đó. Nét đẹp của nghệ thuật kiến trúc ở Huế còn ở chiều cao của công trình (ngôi tháp Phước Duyên cao 7 tầng cũng chỉ 21 m). Lâu đầu, cung điện, lăng tẩm, đình chùa… không vượt quá cao so với hàng cây làm đẹp cho không gian kiến trúc.

Nét riêng của văn hóa Huế còn được thể hiện qua ăn nói, ăn mặc, ăn uống, ăn học và cả ăn chơi của người Huế. Trong ăn nói, người Huế luôn tôn trọng thứ bậc thể hiện qua cách xưng hô ở làng, họ và gia đình, không phân biệt tuổi tác, giàu sang, nghèo hèn (có cả một hệ thống xưng hô khác với nhiều vùng). Đối với xóm giềng, lạ cũng như quen đều căn cứ vào tuổi tác mà ăn nói. Trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện nay đều có chung một thứ tiếng là tiếng Huế, chung là thứ giọng là giọng Huế, không phân biệt dân làng hay thành phố. Người ta vẫn biết đến giọng Huế nhẹ nhàng, có phần e ấp của những cô gái Huế./.

Nguồn: https://thuathienhue.gov.vn/Thong-tin-du-dia-chi/tid/Van-hoa-Hue/cid/B819D616-54D0-4D60-AF1F-C3A77FD0FCEB

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn

Vui lòng nhập tên của bạn ở đây